Những câu chuyện “Tự học và Trải nghiệm” hấp dẫn tại Educamp 2017
Educamp 2017 đã chính thức khai mạc sáng 26/11 tại campus Hòa Lạc, thu hút hơn 200 người tham dự là cán bộ, giảng viên Tổ chức Giáo dục FPT, cán bộ Tập đoàn FPT, chuyên gia giáo dục đến từ các trường đại học uy tín trong và ngoài nước. Với 2 phiên toàn thể và 48 phần trình bày, diễn đàn năm nay hấp dẫn bởi những câu chuyện thực tế xoay quanh chủ đề “Tự học và Trải nghiệm”.
Chủ đề “Tự học và Trải nghiệm” có lẽ gần gũi với đại đa số cán bộ, giảng viên Tổ chức Giáo dục FPT tham dự Educamp năm nay. Đây cũng là chủ đề chứa đựng nhiều tâm huyết của một số cán bộ Tập đoàn FPT và các chuyên gia đến từ các trường đại học khác có mặt tại campus Hòa Lạc trong sự kiện sáng 26/11 này. Phiên khai mạc diễn đàn giáo dục thường niên của Tổ chức Giáo dục FPT được chờ đợi trong không khí hào hứng, sẻ chia của các diễn giả và người tham dự.
Phát biểu khai mạc Educamp 2017, TS. Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT ĐH FPT) đã chia sẻ về “Tự học và Trải nghiệm” ở ĐH FPT và mở rộng quy mô toàn Tổ chức Giáo dục FPT. Theo TS. Lê Trường Tùng, ngay từ lứa sinh viên khóa đầu, ĐH FPT đã chú trọng phát triển ý thức tự học và đưa vào chương trình nhiều hoạt động trải nghiệm cho sinh viên: “Tự học và trải nghiệm ở FPTU thể hiện qua các hoạt động như OJT (On job Training), Tháng Rèn luyện tập trung, các hoạt động trao đổi sinh viên trong nước (giữa các campus) và nước ngoài, phương pháp học tập mới, triển khai các hoạt động trải nghiệm giữa các học kỳ cho sinh viên, khuyến khích sinh viên khởi nghiệp".
Các hoạt động này đều dựa trên một triết lý giáo dục: “Dạy gì, dạy thế nào cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là người học học được gì. Quan trọng nhất là cách học và cách trưởng thành trong quá trình học”, TS. Lê Trường Tùng chia sẻ. Ở Tổ chức Giáo dục FPT, triết lý này được thể hiện một cách rõ ràng: “Giáo dục là tổ chức và quản trị việc tự học của người học”.
Từ khóa sinh viên đầu tiên, ĐH FPT luôn nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo môi trường khuyến khích sự tự học và trải nghiệm của sinh viên. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, mục tiêu “tổ chức và quản trị việc tự học của người học” cũng đặt ra những thách thức: làm sao để học sinh, sinh viên thực sự là trung tâm; thay đổi vai trò người thầy; cá thể hóa đến từng học sinh sinh viên; thay đổi cách dạy, cách học và áp dụng công nghệ mới (Smart Education); triển khai đến từng môn học. Trên quy mô toàn Tổ chức Giáo dục FPT, phương hướng trong thời gian tới là: “100% sinh viên học tập tại Tổ chức được trải nghiệm nước ngoài, 20% môn học theo MOOC hoặc FUNiX Way, tăng việc tự quyết định nội dung môn học và chuyển đổi tín chỉ,” TS. Lê Trường Tùng chia sẻ.
Chia sẻ quan điểm “Quan trọng hơn là người học học được gì” của TS. Lê Trường Tùng, PGS.TS Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ bản thân ông cũng đến đây để học và trải nghiệm. Bằng kinh nghiệm nhiều năm công tác của mình, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội nói thêm: “Học để làm được gì, có năng lực gì, để đạt được hiệu suất công việc như thế nào là rất quan trọng”. Là trường đại học giàu truyền thống, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tài năng, hiện đang nắm giữ những vị trí chủ chốt trong các cơ quan, doanh nghiệp lớn, PGS. TS Hoàng Minh Sơn cho rằng đó là lợi thế của Đại học Bách khoa nhưng cũng như nhiều đơn vị giáo dục công lập khác, hiện nay trường cũng đang đứng trước những thách thức mới: đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao cơ sở vật chất, cân bằng giữa hoạt động đào tạo và nghiên cứu…
Thẳng thắn chia sẻ cùng các cán bộ, giảng viên Tổ chức Giáo dục FPT, PGS. TS Hoàng Minh Sơn đưa ra 6 định hướng phát triển và 1 tam giác chiến lược của Đại học Bách khoa Hà Nội. “Sự thành công của sinh viên là một trong những thước đo quan trọng nhất, làm nên thương hiệu Đại học Bách khoa Hà Nội. Tầm nhìn của chúng tôi là trở thành ĐH nghiên cứu hàng đầu khu vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, tiên phong trong hệ thống giáo dục Việt Nam".
Phiên khai mạc với những chia sẻ từ PGS.TS Hoàng Minh Sơn đã thu hút sự quan tâm nhiều người tham dự. Khá nhiều câu hỏi được đặt cho Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội.
Sau phiên toàn thể đầu tiên, các diễn giả và người tham dự Educamp 2017 bắt đầu tham gia các phần tham luận với thời lượng 30 phút/ phiên, được tổ chức đồng thời ở 6 phòng hội thảo.
Là một trong 6 diễn giả của phiên đầu tiên trình bày, anh Lê Ngọc Tuấn (Ban Công nghệ Tập đoàn FPT, Sáng lập Maker Hà Nội) chia sẻ chủ đề: “Học về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cho người trẻ”. Chủ đề anh chọn rộng và khá phức tạp nhưng anh Lê Ngọc Tuấn đã tiếp cận nó ở khía cạnh theo anh là đơn giản nhất: tạo động lực tìm hiểu về Công nghệ thông tin cho giới trẻ để họ sẵn sàng trước những cơ hội và thách thức mà Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đem tới.
Diễn giả chia sẻ câu chuyện người trẻ đam mê công nghệ thông tin qua chính những trải nghiệm anh có: một clip bài phát biểu của học sinh 8 tuổi người Ấn Độ trong hội thảo công nghệ dành cho 2000 kỹ sư toàn thế giới mà anh có dịp tham gia, lần đưa học sinh THPT FPT dự thi Olympic robot quốc tế, đồng hành cùng sinh viên ĐH FPT trong “Cuộc đua số” năm 2016… Điều anh nhận ra sau những trải nghiệm này là niềm yêu thích của một bộ phận không nhỏ những người trẻ dành cho CNTT. Với sức mạnh số trong tay, họ có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp trong tương lai.
“Làm sao để đưa công nghệ đến các bạn trẻ một cách tự nhiên, dễ dàng?” là điều cán bộ công nghệ Tập đoàn FPT trăn trở và muốn chia sẻ. “Mình nhận thấy nhiều sinh viên khi mới tiếp cận lập trình, code, thường bị ngợp và cảm thấy khó khăn. Trong khi ở nước ngoài, học sinh, sinh viên thậm chí là trẻ em bắt đầu được tiếp cận những công nghệ này từ khi còn rất nhỏ, thông qua các hoạt động thực tế, trò chơi khiến các em cảm thấy dễ dàng, yêu thích”, anh Lê Ngọc Tuấn nói.
Ở Việt Nam, anh Tuấn chia sẻ một số tổ chức đang phát triển các dự án giúp nâng cao kỹ năng tự học và niềm yêu thích Công nghệ thông tin như FabLab Hà Nội, Maker Hà Nội… Tham gia vào các dự án này, học sinh, sinh viên, thậm chí là người đã đi làm đều có thể tìm thấy những kiến thức thú vị về lập trình, robot… dần dần tạo động lực và niềm yêu thích công nghệ cho mình. Đây có thể là bước khởi đầu để các bạn trẻ tự tin bước vào Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, tự học và trải nghiệm với một nền tảng kiến thức vững chắc.
Cùng trình bày về chủ đề "eLearning vẫn còn sớm tại Việt Nam?", hai diễn giả là anh Nguyễn Đình Khiêm (Giám đốc Công nghệ giáo dục, Đại học Thành Tây) và TS. Trần Vũ Hùng (Giám đốc Công nghệ giáo dục, iSmart Education) đã dành thời gian chia sẻ về những ưu/nhược điểm của Elearning và những xu hướng, mô hình tại Việt Nam và trên thế giới.
Theo nhận định của anh Nguyễn Đình Khiêm "eLearning là xu thế không thể chối bỏ, ưu điểm của nó là người học có thể học mọi lúc và mọi nơi, tiết kiếm được chi phí và thời gian. Đây là phương thức học tập linh hoạt, tối ưu và nhất quán nội dung truyền tải. Phương thức này được sự hỗ trợ của công nghệ giúp hệ thống hoá việc đánh giá tiến độ, phân tích dữ liệu và giải đáp thông tin".
Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức này chính là "thiếu đi yếu tố cảm xúc và không gian, hạn chế sự tương tác trực tiếp giữa người dạy và người học. Để có thể áp dụng được phương thức này, phụ thuộc nhiều vào sự chủ động của sinh viên".
Theo hai diễn giả, eLearning là một xu hướng của thế giới với nhiều chương trình học (Courseda, Edx, Khanacademy...), dạy kỹ năng qua Youtube, các khoá học trực tuyến về từng chuyên đề và kỹ năng cụ thể không đòi hỏi bằng cấp. Tại Việt Nam, các chương trình đại học trực tuyến như FUNiX, Topica... đã áp dụng phương thức eLearning vào giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, yếu tố theo chốt vẫn phụ thuộc và tính tự giác và động lực của người học.
Cũng trong phiên trình bày buổi sáng, nhiều diễn giả đã lựa chọn bài tham luận liên quan đến chủ đề "Trải nghiệm". Có cơ hội được sống và làm việc tại Cần Thơ, anh Trần Vũ Quang mang đến “Câu chuyện trải nghiệm của sinh viên miền Tây”. Theo quan điểm của anh, tâm lý vùng miền ảnh hưởng rất nhiều tới sinh viên. Tại nơi anh công tác, các sinh viên rất ngại nói lên chính kiến và ngại đấu tranh cho ý kiến của mình. Anh cho biết: "Theo thống kê của phòng CTSV, với mỗi lớp sĩ số 30 sinh viên có từ 3-6 sinh viên gặp vấn đề về mặt giao tiếp. Nguyên do phụ thuộc vào yếu tố tâm lý và những kỹ năng sống mà sinh viên còn thiếu khi bước vào môi trường mới. Có trường hợp sinh viên gặp bế tắc về việc xử lý các vấn đề tâm lý đã dẫn đến những hành động tiêu cực khó kiểm soát.
Để giải quyết bài toán này, anh Quang chia sẻ về một số gợi mở dành cho sinh viên, theo đó anh đề xuất trường đại học nên có chuyên gia tâm lý về tâm lý học đường. Hiện anh cùng các đồng nghiệp thuộc bộ phận CTSV đang nỗ lực xây dựng nhiều chương trình ngoại khóa đề cao hoạt động trải nghiệm, tạo điều kiện cho sinh viên được va chạm và gắn kết với nhau nhiều hơn. Thông qua các hình ảnh và đoạn video anh trình chiếu trong bài tham luận, người tham dự đồng ý với quan điểm của anh: "Từ những sinh viên rất trầm và ngại giao tiếp, các bạn đã lăn xả hơn và có những thay đổi tích cực."
Cũng trong chủ đề trải nghiệm, anh Võ Ngọc Hiền - cán bộ phòng QHQT&DN HCM đã đặt ra một câu hỏi trong tham luận "Đi nước ngoài học hay đi học nước ngoài”. Anh Hiền định nghĩa hai khái niệm này: “Học ở nước ngoài hay đi du học tạm gọi là đi học nước ngoài, còn ra nước ngoài để học những điều hay, tham gia các chương trình có cơ hội ra nước ngoài, tạm gọi là đi nước ngoài học". Theo định nghĩa ấy, anh dành nhiều thời gian để chia sẻ trải nghiệm xây dựng chương trình và theo sát sinh viên "đi nước ngoài học". Đưa ra những phân tích về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức khi sinh viên tham gia hai hìn thức học tập này, bài tham luận của anh giúp ngời tham dự có những thông tin thiết yếu để lựa chọn phương pháp học tập phù hợp.
Tiếp tục sự kiện trong phiên trao đổi buổi chiều, Keynote SOH Kim Fai, Phó Giám đốc (phòng Phát triển và Quản lý chương trình) trường CĐ Thực hành Singapore đã phân tích về việc tự học và trải nghiệm thông qua mô hình CDIO.
Là keynote người nước ngoài duy nhất tại Educamp năm nay, ông SOH Kim Fai (Phó Giám đốc Singapore Polytechnics) đã đem đến diễn đàn một chủ đề lớn nhưng rất gần gũi với Tổ chức Giáo dục FPT. “Self study and learning experiences through C-D-I-O framework” được ông SOH Kim Fai chọn để chia sẻ cùng các cán bộ, giảng viên Tổ chức Giáo dục FPT. “CDIO là gì?”, “CDIO có những tiêu chuẩn nào?”… những khái niệm được diễn giả khách mời đưa ra và phân tích cụ thể qua các sơ đồ và ví dụ chứng minh. “13 CDIO Skill set” là một trong những tổng kết thú vị mà diễn giả chia sẻ tại Educamp.
CDIO là một chủ đề lớn nhưng gần gũi, thiết thực với Tổ chức Giáo dục FPT bởi trong Tổ chức, Trường Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic cũng đã và đang nghiên cứu, ứng dụng CDIO vào việc dạy và học cho sinh viên. Những chia sẻ của ông SOH Kim Fai tại Educamp năm nay có lẽ đã đem đến nhiều góc nhìn mới, cách làm mới có thể áp dụng trong thực tiễn tại FPT Polytechnic.
Sau phần trình bày của TS SOH Kim Fai, các cán bộ giảng viên và các nhà hoạt động giáo dục đến tham dự tiếp tục chương trình với các bài tham luận diễn ra đồng thời tại 6 phòng hội thảo.
Bàn về những phương pháp làm tăng sự hứng khởi của sinh viên trong lớp học (Activites to boost student engagement), giảng viên La Thị Cẩm Tú khoa QTKD, ĐH FPT đã mang tới không khí sôi nổi, tươi mới cho buổi Hội thảo. Mở đầu bằng một trò chơi mang tên "Ballon Game", giảng viên Cẩm Tú đã truyền đạt thông điệp về đàm phán phía sau một hoạt động tâp thể vui nhộn. Được biết, đây chính là một trong những phương pháp GV Cẩm Tú thường sử dụng trong việc giảng dạy hàng ngày. Nắm được tâm lý thích học theo phương pháp ứng dụng và thực hành bài học của sinh viên, GV Cẩm Tú đưa ra một số phương pháp sáng tạo trong việc kích thích khả năng học tập của sinh viên. Một số phương pháp như mô phỏng đóng vai, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề thông qua các tình huống thực tế, kết hợp học online và offline... được chị Cẩm Tú giới thiệu và đưa ra các dẫn chứng cụ thể.
Cũng chia sẻ dưới tâm thế của một người thầy, anh Doãn Trung Tùng - giảng viên ĐH Greenwich (Việt Nam) đã cùng các cán bộ giảng viên trao đổi sôi nổi trong nội dung tham luận "Các phương pháp học tập chủ động". Theo anh, sinh viên hiện nay học tập rất thụ động. Phân tích kim tự tháp học tập dựa trên nghiên cứu tại Mỹ, anh chỉ ra số liệu kiến thức mà sinh viên thu nhận dựa trên phương pháp học thụ động và phương pháp học chủ động. Khi sinh viên càng chủ động thì khả năng tiếp thu bài càng cao. Để sinh viên chủ động, vai trò của giảng viên là giảng dạy hướng sinh viên làm trung tâm, đưa ra các mức yêu cầu/kỳ vọng ở sinh viên. Nghiên cứu và thử nghiệm phương pháp giảng dạy giúp sinh viên chủ động ngay tại lớp học của mình, anh Trung nhận được các kết quả khả thi, từ mức sinh viên đưa ra được quan điểm cá nhân tới mức cao nhất là sinh viên tự giải quyết những vấn đề chưa được dạy.
Tham gia phiên thảo luận, nhiều giảng viên cũng cùng chia sẻ ý kiến về các yếu tố liên quan đến việc học tập chủ động của sinh viên như học theo cặp, thúc đẩy hoạt động tìm hiểu bài ở nhà, cách hướng dẫn sinh viên ghi chú diễn họa...
Ngọc Trâm - Huyền Mai - Hậu Đặng
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn