Robot và trợ lí ảo của học sinh sinh viên FPT Edu gây ấn tượng tại Educamp 2018
Là những diễn giả trẻ tuổi nhất FPT Educamp 2018, 2 nhóm học sinh THPT FPT và SV ĐH Greenwich (Việt Nam) đã góp thêm tính đa dạng về sản phẩm và góc nhìn mới mẻ cho chủ đề Trường học 4.0 của FPT Educamp 2018 diễn ra tại Hoà Lạc Campus vào 25/11 vừa qua.
FSchool xác lập kỉ lục “Diễn giả trẻ tuổi nhất”
Cô Phùng Thị Hiên cùng các bạn học sinh: Phan Tiến Mạnh, Trịnh Vũ Hưng, Nguyễn Giang Nam với đề tài tham luận “Trường học 4.0 – Nơi học sinh bước ra thế giới” đã nhận được cơn mưa lời khen từ hội đồng khán giả ngay sau khi kết thúc bài trình bày.
Dẫn dắt cho bài tham luận, cô Phùng Thị Hiên chia sẻ: “Bậc THPT là giai đoạn mà các bạn học sinh đang có những bước chuyển mình trong định hướng nghề nghiệp. Câu hỏi đặt ra trong tham luận là: Làm nghề gì để phù hợp với thời đại? Môi trường giáo dục thì phải đào tạo lĩnh vực gì trong giai đoạn chuyển giao cách mạng 4.0?” Đồng thời, cô cũng đưa ra cách mà THPT FPT đang áp dụng. THPT FPT thực hiện các hoạt động tập huấn cho học sinh, gồm Tập huấn các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 như Kiến thức, kỹ năng học hỏi và đổi mới, Kiến thức, kỹ năng về công nghệ, thông tin và truyền thông, Kiến thức, kỹ năng về làm việc nhóm và làm việc trong cộng đồng; Tập huấn về phương pháp giáo dục STEM; thực hiện các hoạt động định hướng cho môn Tin học qua các chương trình về Photoshop, thiết kế web, cơ sở dữ liệu, lập trình…; tổ chức chuỗi hội thảo định hướng như Công dân trong thời đại số, Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của người trẻ, Hội thảo về chương trình Mã nguồn mở - Google code in. Ngoài ra, THPT FPT còn xây dựng môi trường truyền cảm hứng và thực hiện các chương trình giao lưu với các trường trong nước và quốc tế, tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi lớn trong và ngoài nước.
Tiếp theo phần của cô Phùng Thị Hiên là phần trình bày của 3 thành viên CLB FRIT (FPTSchool Robotics & Information Technology) của THPT FPT: Phan Tiến Mạnh, Trịnh Vũ Hưng, Nguyễn Giang Nam. Ba diễn giả trẻ tuổi của THPT FPT tự tin trình bày về việc quá trình học tập tại trường đã làm bước đệm để các em phát hiện ra sở thích về lập trình robot, từ đó có cơ hội giao lưu với các đội Robotics tại các trường THPT trên địa bàn thành phố như: THPT Chuyên Amstersdam, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Đặc biệt, các em còn có cơ hội giao lưu với các anh chị trong CLB Robotics của ĐH Macquarie, Úc. Để cho bài tham luận trở nên sinh động, 3 bạn học sinh đã mang 2 chú robot vô cùng đặc biệt trình diện trước khán giả. Được biết, một trong 2 chú robot chính là người bạn đồng hành của các em trên hành trình chinh phục tấm huy chương Đồng tại giải đấu FIRST Global 2018 trên đất Mexico hồi tháng 8/2018. Thành tích của các em xuất phát từ những giờ sinh hoạt trong CLB lập trình robot nằm trong hoạt động hướng nghiệp của trường.
Kết thúc bài tham luận là hình ảnh chú robot di chuyển và thực hiện những động tác vận chuyển đồ vật một cách linh hoạt và đẹp mắt. Đó cũng là một minh chứng rõ ràng cho việc thầy và trò THPT FPT đang từng bước chuyển mình tiến đến cuộc cách mạng 4.0 trong trường học.
Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên FPT Educamp có học sinh THPT tham dự FPT Educamp trong vai trò diễn giả, giúp hội thảo xác lập kỉ lục về mùa FPT Educamp có diễn giả trẻ tuổi nhất hội thảo.
Mang sản phẩm trí tuệ nhân tạo vào môi trường học tập
Không hề “lép vế” trước các em FSchool, các bạn sinh viên Quản trị kinh doanh – Đại học Greenwich (Việt Nam) đã đem đến hội thảo FPT Educamp 2018 đề tài tham luận: “Trợ lý ảo và môi trường giáo dục 4.0” bằng hình thức trình bày poster triển lãm.
Bài tham luận được chia thành 6 phần: giới thiệu, cách vận hành và tính năng, khảo sát và kết quả, hạn chế, giải pháp, kết luận. Trợ lí ảo (VA) là phần mềm được xây dựng dựa trên nền tảng trí thông minh nhân tạo (AI) với mục đích chính là hỗ trợ dùng thiết bị dễ dàng hơn, bằng chính thói quen mà người dùng thường làm trên thiết bị.
Điểm thu hút khán giả tại bài tham luận này là cách vận hành và tính năng của VA. Đầu tiên, người dùng sẽ kích hoạt VA với các câu lệnh đơn giản bằng giọng nói hoặc văn bản. Sau đó, người dùng có thể trò chuyện với chúng để luyện phát âm, xả stress. Ngoài ra, VA còn có thể hỗ trợ việc tra cứu thông tin như: lịch học, hạn nộp bài, tìm học liệu… và thực hiện các thao tác cơ bản: soạn, gửi email, thêm sự kiện vào lịch cá nhân.
Tuy nhiên, VA vẫn còn những hạn chế đáng kể về kỹ thuật lẫn người dùng. Về kỹ thuật, VA gặp một số hạn chế như: phụ thuộc kết nối internet, các thiết bị sử dụng VA cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định, chưa đa dạng về nhận diện giọng nói, ngôn ngữ. VA sẽ không được sử dụng rộng rãi nếu như khó thao tác cho nhiều người không dùng thạo về công nghệ, tâm lý chưa tin tưởng vào VA v.v...
Kết thúc bài tham luận, nhóm sinh viên đã đưa ra một số giải pháp khắc phục hạn chế cho phần mềm này như: khuôn viên trường phủ sóng wifi 24/24, ứng dụng đi kèm với hướng dẫn, đa dạng nền tảng kết nối VA, phát triển security check bằng giọng nói, phát triển Big Data để tăng tính chính xác và cải thiện chức năng của VA.
Bài tham luận thu hút đông đảo lượt khán giả tới lắng nghe và nhận được sự đồng tình về độ thiết thực và tính chính xác của ứng dụng.
Hai bài tham luận của học sinh, sinh viên FPT Edu đã góp phần tăng tính đa dạng và góp nhìn mới mẻ cho FPT Educamp 2018.
FPT EduCamp là hội thảo mở được Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) tổ chức hàng năm để kết nối các giảng viên, cán bộ, chuyên gia quản lí giáo dục và đào tạo, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Tại hội thảo, người tham dự có thể chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và của FPT Edu nói riêng. Năm thứ 5 được tổ chức, FPT EduCamp 2018 chọn chủ đề chính là ‘Trường học 4.0’, hướng đến các chia sẻ và thảo luận xung quanh những nhóm tiêu đề như: Hoạt động Dạy và Học; Nghiên cứu Khoa học; Hợp tác Quốc tế; Đảm bảo chất lượng; Thiết kế chương trình; Tuyển sinh; Các dịch vụ trong trường học: Công tác sinh viên, Quan hệ doanh nghiệp, Tư vấn tâm lý, Phát triển cá nhân (PDP), Tổ chức và Quản lý đào tạo...; Vận hành trường học; Kinh nghiệm triển khai Giáo dục trong thời đại 4.0. |
Kim Quyên