EduCamp 2015 và 'Quy tắc hai chân'
“Bất cứ khi nào bạn cảm thấy không học được gì, cũng như không đóng góp được gì, hãy sử dụng hai chân để đi sang chỗ khác”. Đó là nội dung của “Quy tắc hai chân”, một trong số các tiêu chuẩn đơn giản mà người tham dự bắt buộc phải tôn trọng và tuân thủ tại Educamp 2015, diễn ra ngày 29/11 ở Hòa Lạc.
EduCamp 2015 bàn về "Vận hành tổ chức giáo dục"
Những “tiêu chuẩn” tại EduCamp 2015
Theo Ban tổ chức, với tiêu chí ai cũng được trình bày, FPT EduCamp khuyến khích mọi người tham dự không chỉ đến để nghe, mà còn đến để nói, để chia sẻ. Trong chương trình, mọi người sẽ phải đáp ứng một số tiêu chuẩn đơn giản như “quy tắc hai chân”, hay “Không gian thảo luận mở”…
Một khán phòng đầy ắp khán giả trong EduCamp 2014. Ảnh: BTC.
Thứ nhất, ở mỗi session, sẽ có 5 tham luận được trình bày đồng thời ở 5 phòng khác nhau. Người tham dự chủ động lên kế hoạch cho bản thân sẽ nghe tham luận nào. Nếu thấy không thích, bạn có thể di chuyển sang Phòng khác để nghe tiếp. “Quy tắc hai chân” được áp dụng: tại bất kỳ thời điểm nào bạn thấy không học được gì cũng như không đóng góp được gì, hãy sử dụng hai chân để đi sang chỗ khác.
Quy tắc thứ hai, EduCamp là một không gian thảo luận mở. Mỗi tham luận sẽ chỉ có 30 phút trình bày, hỏi đáp và di chuyển giữa các phòng. Nếu bạn muốn trao đổi nhiều hơn với diễn giả, hãy sử dụng khu vực sảnh chung hay bất kỳ chỗ nào phù hợp để tiếp tục quá trình học hỏi.
Hai tiêu chí này đều hướng đến tôn trọng khán giả, tạo điều kiện tối đa cho người tham dự học hỏi, khám phá và trao đổi tại hội thảo. Cởi mở, tự do… sẽ là bầu không khí chung tại chương trình.
Theo anh Dương Trọng Tấn, thành viên Ban tổ chức, FPT EduCamp được Khối giáo dục FPT (FE) tổ chức hằng năm, kết nối các chuyên gia, người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, từ đó, giúp chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và FE nói riêng. Là một tổ chức học tập, FPT nói chung và FE mong tất cả mọi người đều có cơ hội chia sẻ tích cực, dưới nhiều hình thức: Tham luận chính thức, câu hỏi phản biện, trao đổi hoặc tranh luận bên lề, chứ không chỉ dừng ở việc ngồi nghe. Đây cũng là lý do chính khiến Ban tổ chức lựa chọn mô hình “hội thảo mở”.
EduCamp 2015: Kì vọng nhiều cán bộ quản lý FPT dự
Năm thứ hai với sự đồng tổ chức của Trường Đào tạo Cán bộ FPT (FPT Corporate University - FCU), FPT EduCamp 2015 có chủ đề “Vận hành tổ chức giáo dục”. Chương trình hướng đến chia sẻ và thảo luận xung quanh những vấn đề “Xây dựng tổ chức học tập tại FPT”, thực tế của FE nói riêng và các cơ sở giáo dục đào tạo ở Việt Nam nói chung như: tuyển sinh, giảng dạy, nghiên cứu, quản trị, truyền thông, v.v. qua đó thúc đẩy cải tiến công việc hiện tại của người tham gia.
Có thể nói, chương trình không có gì thay đổi so với format năm 2014. Tuy nhiên, chủ đề hội thảo năm nay rộng hơn.
“Thay vì chỉ chú trọng vào chuyện dạy và học, năm nay nhiều vấn đề khác liên quan đến quản trị đại học, nghiên cứu và phát triển,. Đặc biệt là có một phần về "tổ chức học tập" sẽ thể hiện rõ sự mở rộng phạm vi thảo luận và chia sẻ tại hội thảo; cũng là thể hiện rõ hơn vai trò của đơn vị đồng tổ chức FCU. Nội dung mở rộng này hy vọng sẽ thu hút được đông đảo cán bộ ngoài FE tham dự” – anh Dương Trọng Tấn, thành viên BTC cho biết.
Với những điểm khác biệt này, Ban tổ chức EduCamp 2015 kì vọng những “người cũ" của EduCamp có dịp làm mới mình và sẻ chia điều tâm đắc với mọi người, và “người mới" tham dự EduCamp lần đầu sẽ có trải nghiệm thú vị và hữu ích tại chương trình.
FPT EduCamp là hội thảo mở được Khối Giáo dục FPT (FPT Education – FE) tổ chức hằng năm để kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và FE nói riêng. Chương trình lần đầu ra mắt vào năm 2014.Năm 2015, FPT EduCamp do Khối Giáo dục FPT, Trường Đào tạo Cán bộ FPT (FCU) phối hợp tổ chức, với chủ đề “Vận hành tổ chức giáo dục”.Đăng ký trình bày tham luận tại đây.Đăng ký tham dự chương trình tại đây. |
Nguyễn Quỳnh
Khối Giáo dục FPT - fpt.edu.vn