Khoa Học - Công Nghệ

Chia sẻ để "Hướng tới chuẩn quốc tế trong tổ chức giáo dục" tại Educamp 2016

04/12/2016
Admin
1211
Sáng nay 4/12, gần 150 cán bộ và giảng viên Tổ chức giáo dục FPT đã cùng thảo luận và chia sẻ xoay quanh các nội dung về dạy - học và phát triển chương trình, nghiên cứu và quốc tế hóa, đảm bảo chất lượng tại Educamp 2016: "Hướng tới chuẩn quốc tế trong tổ chức giáo dục."

Lần thứ 3 tổ chức, Educamp 2016 có chủ đề "Hướng tới chuẩn quốc tế trong tổ chức giáo dục", thu hút 32 diễn giả cùng 2 phiên khai mạc với 2 chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục. Sự kiện tiếp tục là diễn đàn kết nối các giảng viên, chuyên gia chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm, ý tưởng phát triển giáo dục Việt Nam nói chung và Tổ chức Giáo dục FPT nói riêng.

dsc02241

Gần 150 cán bộ, giảng viên Tổ chức Giáo dục FPT  tham dự Educamp 2016

Tham dự Educamp 2016, về phía các đơn vị giáo dục ngoài FPT: TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh); bà Trần Thị Yên Định (Giám đốc Khối Giáo dục, Microsoft Việt Nam).

dsc_8247

TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh)

dsc_8249

Bà Trần Thị Yên Định (Giám đốc Khối Giáo dục, Microsoft Việt Nam)

Về phía ĐH FPT: TS. Nguyễn Khắc Thành (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, Hiệu trưởng Trường Đào tạo Cán bộ FPT, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT); TS. Nguyễn Kim Ánh (Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo Cán bộ FPT).

dsc_8251

TS. Nguyễn Khắc Thành (Phó Tổng Giám đôc Tập đoàn FPT, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ FPT, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT)

dsc_8254

TS. Nguyễn Kim Ánh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT).

Phát biểu khai mạc sự kiện, TS Nguyễn Khắc Thành cho rằng việc Tổ chức Giáo dục FPT duy trì tổ chức Educamp sang năm 3 là một việc làm tốt. "Nếu chúng ta cố gắng duy trì ít nhất 10 năm nữa thì Educamp sẽ là một sự kiện vĩ đại. Chúc Educamp từ tốt trở thành vĩ đại."

dsc_8259

TS. Nguyễn Khắc Thành phát biểu khai mạc Educamp 2016

Mở đầu các bài tham luận xoay quanh chủ đề "Hướng tới chuẩn quốc tế trong tổ chức giáo dục", TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã chia sẻ những nghiên cứu của mình về "Giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế".

TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng hiện tượng "mất cân đối trong phân luồng giáo dục" đang xảy ra trong xã hội hiện nay. Tốt nghiệp THPT, hầu hết học sinh muốn thi vào các trường ĐH, CĐ thay vì chọn học nghề. "Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ học sinh Việt Nam theo học ĐH, CĐ khá thấp: 60.000 em đỗ ĐH trên tổng số với 1 triệu thí sinh." Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.

dsc_8266

Là một trong 2 keynote trình bày phiên khai mạc, TS. Nguyễn Đức Nghĩa đã trao đổi, chia sẻ những nghiên cứu và kinh nghiệm của mình về "Giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế".

Số lượng học sinh Việt Nam đi du học nước ngoài ngày càng tăng. "Nhiều người nói đó là tệ nạn giáo dục nhưng theo tôi đây là xu hướng" TS. Nguyễn Đức Nghĩa nêu quan điểm. "Ở chiều hướng ngược lại, Việt Nam chưa phải là thị trường hấp dẫn cho các du học sinh nước ngoài. Hiện, hơn 20 nghìn sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam, chủ yếu đến từ Lào, Campuchia theo diện học bổng do nhà nước ta cấp".

dsc_8292

Phần trình bày của TS. Nguyễn Đức Nghĩa nhận được nhiều câu hỏi từ phía khách mời tham dự, trong đó có ông Nguyễn Xuân Phong (Giám đốc Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic).

Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, 3 trở ngại lớn đang cản trở việc Việt Nam trở thành lựa chọn du học của các sinh viên nước ngoài gồm: khung cơ cấu trình độ, việc kiểm định đại học và chưa tận dụng tốt các chương trình liên kết đào tạo. Đặc biệt, TS. Nguyễn Đức Nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các trường ĐH tham gia đánh giá kiểm định với các tổ chức độc lập bên ngoài.

Kết thúc phiên khai mạc, gần 150 cán bộ và giảng viên Tổ chức Giáo dục FPT bắt đầu tham gia các bài tham luận với thời lượng 30 phút/ phiên, được tổ chức đồng thời ở 5 phòng hội thảo.

Mở đầu cho các phiên thảo luận tại Educamp 2016, chủ đề "Bí quyết "dỗ" sinh viên" của TS. Phan Phương Đạt (Trưởng ban Đào tạo Trường ĐH trực tuyến FUNiX) thu hút sự quan tâm của rất đông cán bộ, giảng viên. Xuất phát từ thực tế: ít người hiểu đúng phương pháp học trực tuyến và việc học qua Internet cũng khiến người ta khó duy trì được sự tập trung, FUNiX đã đưa Hannah - nhân vật đóng vai trò hỗ trợ, kết nối học viên, mentor và chương trình học với nhau vào hoạt động dạy và học.

TS. Phan Phương Đạt chia sẻ "Bí quyết "dỗ" sinh viên từ thực tế dạy và học ở FUNiX

TS. Phan Phương Đạt chia sẻ "Bí quyết "dỗ" sinh viên từ thực tế dạy và học ở FUNiX

Theo Trưởng ban Đào tạo Trường ĐH trực tuyến FUNiX, Hannah có thể hỗ trợ học viên qua 4 giai đoạn: chỉ đường, huấn luyện, cổ vũ, chiêm ngưỡng. Hoạt động của Hannah trong mỗi giai đoạn căn cứ vào tâm lý tiếp nhận của người học. Ở giai đoạn "chỉ đường", khi học viên đang rất hào hứng với chương trình học mới nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, Hannah đóng vai trò cung cấp thông tin, hướng dẫn. Ở giai đoạn "huấn luyện" khi học viên đã quen với việc học trực tuyến, có thể nảy sinh tâm lý lơ là việc học thì người hỗ trợ học viên cần biết cách trò chuyện, khích lệ, động viên. Càng ở các giai đoạn sau, Hannah càng chuyển dần vai trò từ hỗ trợ học thuật sang hỗ trợ thiết lập mối quan hệ, để học viên chuyển dần từ: phụ thuộc – độc lập – giúp đỡ các học viên khác.

dsc02315

Cán bộ, giảng viên FE hào hứng tìm hiểu bí quyết "dỗ" sinh viên mà FUNiX đang áp dụng

Theo dõi chủ đề "Bí quyết "dỗ" sinh viên", chị Hoàng Phương Dung (Giáo viên PDP - THPT FPT) chia sẻ: "Mình rất thích những chia sẻ của TS. Phan Phương Đạt về chủ đề này. Với kinh nghiệm thực tế từ FUNiX, TS. Phan Phương Đạt đã cho chúng mình những gợi ý về cách thức kết nối với học sinh gần gũi hơn, giúp cho việc học của các em hiệu quả hơn."

Anh Phạm Hùng Hiệp (Trưởng phòng Đào tạo FE Hà Nội) và chị Đỗ Thị Minh Thủy (Trưởng phòng Kiểm định chất lượng FE Hà Nội) cùng chọn chủ đề về đảm bảo và kiểm định chất lượng Đại học. Anh Phạm Hùng Hiệp chia sẻ: "Đảm bảo chất lượng ĐH quyết định đến việc các chuyên gia, nhà khoa học và cả sinh viên có tìm đến với trường ĐH đó hay không". Hiện nay, các bảng xếp hạng ĐH uy tín nhất trên thế giới có thể kể đến gồm: Thượng Hải, QS, THE, Webometrics. Trong đó, ĐH FPT đã tham gia bảng xếp hạng QS và đang tiến hành làm kiểm định ACBSP và CDIO đối với FPT Polytechnic.

Chị Đỗ Thị Minh Thủy đi sâu phân tích bảng xếp hạng ĐH QS. "QS Stars là tiêu chuẩn đánh giá Chất lượng giáo dục quốc tế, đến năm 2016 tiêu chuẩn này đã được áp dụng tại 47 quốc gia trên Thế giới. Ngưỡng điểm cho các Sao QS được đánh giá ở mức độ từ 1 Star đến 5 Stars plus. Đây là hệ thống tiêu chuẩn mà nhiều trường ĐH tại VN đang hướng tới." chị Thủy cho biết.

Trao đổi sau phần trình bày của 2 diễn giả, nhiều cán bộ cho rằng khi một trường muốn được xếp hạng cao cần chuẩn bị tốt ngay từ khi mới thành lập để minh chứng được chất lượng và tạo uy tín cho trường và niềm tin cho người học. Đó là nền tảng để các trường ĐH Việt Nam được công nhận nhiều hơn trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Là một số những chủ đề gây tò mò tại Educamp năm nay, "Giải cứu tàu đắm như thế nào" của anh Bùi Duy Linh (Giảng viên FAI) đi vào bàn luận vấn đề có tính thực tiễn ở môi trường anh đang giảng dạy. "Tàu đắm" mà giảng viên trẻ này nhắc tới là những sinh viên yếu kém và vấn đề anh đặt ra là làm thế nào giúp những sinh viên ấy lấy lại động lực và hứng thú học tập?

Anh Bùi Duy Linh khẳng định: "Giảng viên cần chủ động tiếp cận trực tiếp, chia sẻ với, sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của sinh viên". Qua đó, việc "giải cứu tàu đắm" trải qua 3 bước: từ xác định sinh viên và vấn đề họ gặp phải; tiếp vận và chia sẻ.

Những chia sẻ của giảng viên Bùi Duy Linh không chỉ thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ, giảng viên khác mà các sinh viên ĐH FPT cũng có mặt, theo dõi phần trình bày này. Bạn Ngô Minh Hải (sinh viên K12) cho biết: "Mặc dù lớp em chưa có hiện tượng "tàu đắm" nhưng em vẫn rất thích bài diễn thuyết của thầy Linh. Em cảm nhận thầy là một người rất quan tâm đến sinh viên, không chỉ việc học mà cả những suy nghĩ, tình cảm của chúng em. Qua đây, em cũng rút ra một số bài học về phương pháp học tập cho mình."

Tiếp tục sự kiện trong phiên trao đổi buổi chiều, Keynote Trần Thị Yên Định – Giám đốc khối Giáo dục Microsoft Việt Nam đã phân tích về việc ứng dụng CNTT trong các mô hình giáo dục hiện đại. Bà chia sẻ một số chính sách hỗ trợ của Microsoft trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm những khóa học trực tuyến cho học sinh, sinh viên và các chương trình dành riêng cho đội ngũ giảng dạy, quản lý của các cơ sở giáo dục.

Giám đốc khối Giáo dục - Microsoft Việt Nam chia sẻ với hơn 150 người tham dự về mô hình giáo dục mới

Giám đốc khối Giáo dục - Microsoft Việt Nam chia sẻ với hơn 150 người tham dự về mô hình giáo dục mới

Bà Định nhấn mạnh, hiện nay Thế giới đang thay đổi dựa trên sự phát triển của CNTT. Trên đà phát triển và liên tục đổi mới của công nghệ ấy, các mô hình đào tạo và những yêu cầu trong đầu ra sau đại học cũng thay đổi theo. Qua các phân tích, bà khẳng định chỉ CNTT mới là công cụ hữu hiệu nhất mang đến bước tiến cho giáo dục. Việc trải nghiệm những lớp học theo mô hình mới và ứng dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới trên nền tảng CNTT sẽ biến mô hình học hiện nay thành mô hình học chủ động, mang lại sự hỗ trợ nhiều nhất cho học sinh sinh viên.

Sau phần trình bày của Giám đốc Khối Giáo dục Microsoft Việt Nam, các cán bộ giảng viên và các nhà hoạt động giáo dục đến tham dự đã cùng các Keynotes, Speakers chụp ảnh lưu niệm và tiếp tục chương trình với các bài tham luận diễn ra đồng thời tại 5 phòng hội thảo.

Khán giả tham dự cùng giao lưu và chụp ảnh lưu niệm với nữ Keynote Trần Yên Định

Khán giả tham dự cùng giao lưu và chụp ảnh lưu niệm với Keynote Trần Thị Yên Định

Cũng bàn về Tiêu chuẩn quốc tế trong việc Kiểm định Chất lượng Đào tạo, TS. Trần Thế Trung chia sẻ quan điểm “Nghiên cứu tại ĐH FPT theo QS Stars”. Anh cho biết, một trong các mục tiêu chiến lược của ĐH FPT là được xếp hạng quốc tế. Hiện tại, ĐH FPT đang được xếp hạng 3 Stars QS và đặt ra mục tiêu đến năm 2018 đạt được 550 điểm QS, ứng với mức 4 Stars QS. Để làm được điều ấy, ĐH FPT cần tập trung vào các tiêu chuẩn đánh giá có khả năng đạt được chất lượng cao, bao gồm: Nghiên cứu, Trích dẫn trên bài báo, Mức độ được biết trong giới, Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu.

Bên cạnh Tiêu chuẩn Kiểm định QS Stars, Tiêu chuẩn ACBSP (Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh) là một Tiêu chuẩn được giới thiệu và phân tích trong Educamp. TS. Trương Công Duẩn đã trình bày bài tham luận với chủ đề: “Pathways to success a global Accreditation: Attaining ACBSP Standards”. Anh khẳng định tầm quan trọng của việc tham gia kiểm định quốc tế, ý nghĩa của các tiêu chuẩn trong kiểm định tác động đến quá trình cải tiến liên tục chương trình đào tạo các ngành Kinh doanh nhằm đạt sự hài lòng của người học, giảng viên, và đáp ứng nhu cầu xã hội. ACBSP là tiêu chuẩn kiểm định chuyên ngành giá trị, uy tín bậc nhất của Hoa Kỳ. Với mong muốn thúc đẩy và khẳng định chất lượng các chương trình đào tạo ngành Kinh doanh phù hợp với các trường kinh doanh hàng đầu thế giới, Đại học FPT đã chủ động tích cực gia nhập vào sân chơi kiểm định ACBSP từ đầu năm 2016.

Sau khi kết thúc phần trình bày tham luận tại các phòng, BTC đã kiểm tra số phiếu tín nhiệm và công bố ba diễn giả giành được sự yêu mến trong Diễn đàn giáo dục Educamp là giảng viên FSchool – chị Trương Ngọc Ánh, Trưởng Ban Đào tạo Funix TS. Phan Phương Đạt và Phụ huynh FSchool Ngô Khởi.

Với tổng cộng 32 bài tham luận xoay quanh 3 chuyên đề trọng tâm, Hội thảo “Hướng tới chuẩn quốc tế trong Tổ chức giáo dục” đã mang đến những kiến thức thực tế hữu ích cho gần 150 người tham dự.

FPT Educamp 2016 đã xây dựng một sân chơi cho những người quan tâm đến lĩnh vực giáo dục có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, tri thức và thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và Tổ chức giáo dục FPT nói riêng.

Ngọc Trâm - Huyền Mai

Ảnh: Tuấn Duy - Duy Trí

Video clip: Đức Anh

1211
Version: 1.2.2.2