Các phương pháp dạy học – điểm ‘nóng’ ở FPT EduCamp 2017
Những câu chuyện xung quanh các phương pháp dạy học là chủ đề tham luận hoặc một phần quan trọng trong phần trình bày của các diễn giả tại FPT EduCamp 2017.
Câu chuyện thực tế ‘Phương pháp đào tạo SmartLab tại FAI’
Đó là chủ đề tham luận của diễn giả Dương Trọng Phú Sơn (Trưởng Ban Đào tạo, FAI HCM). Một trong những điểm chú ý của phần tham luận này là việc eLearning đã được áp dụng tại FAI. Theo chia sẻ của diễn giả, phương thức đào tạo này thể hiện rõ nhất qua hệ thống Online Varsity. “Mỗi học viên đều có tài khoản riêng trên hệ thống, khi truy cập vào hệ thống này, sinh viên sẽ tiếp nhận với kho tài nguyên khổng lồ: bài giảng, giáo trình, video phục vụ giảng dạy... mới nhất”, anh Sơn chia sẻ.
Được biết, hệ thống Online Varsity đang được triển khai tại FPT Aptech – một trong các đơn vị của Viện Đào tạo quốc tế (FAI). Bài toán mà FPT Aptech nói riêng và FAI nói chung gặp phải, đó là làm sao để có thể thúc đẩy sự chủ động, ham học hỏi của sinh viên hơn.
Đặc thù tại FAI là chú trọng đào tạo hands - on (tức cầm tay chỉ việc), do đó, vai trò của người thầy rất quan trọng. Ngoài việc giảng dạy và học tập theo phương pháp truyền thống, sinh viên FAI còn được tham gia các giờ học theo mô hình công xưởng, tham quan doanh nghiệp hoặc dự các giờ học do các giảng viên chính là những cán bộ, lãnh đạo tại các doanh nghiệp giảng dạy. Đặc biệt, tại FAI còn duy trì các giờ phút giải lao bằng việc cho sinh viên tập các động tác Yoga đơn giản để thư giãn và lấy lại sự tập trung khi tiếp tục bài học.
"Các ý tưởng, hệ thống và mô hình thực tế tại FAI như xưởng công trưởng, hệ thống Online Varsiy hay cả các giờ phút Yoga đều nhằm thúc đẩy ý thức tự học và trải nghiệm của sinh viên", diễn giả Dương Trọng Phú Sơn chia sẻ cuối phần trình bày.
Hai diễn giả cùng bàn về ‘eLearning vẫn còn sớm tại Việt Nam?’
Cùng trình bày tham luận về chủ đề "eLearning vẫn còn sớm tại Việt Nam?", hai diễn giả là anh Nguyễn Đình Khiêm (Giám đốc Công nghệ giáo dục, Đại học Thành Tây) và TS. Trần Vũ Hùng (Giám đốc Công nghệ giáo dục, iSmart Education) đã dành thời gian chia sẻ về những ưu/nhược điểm của Elearning và những xu hướng, mô hình tại Việt Nam và trên thế giới.
Theo nhận định của anh Nguyễn Đình Khiêm và TS. Trần Vũ Hùng "eLearning là xu thế không thể chối bỏ, ưu điểm của nó là người học có thể học mọi lúc và mọi nơi, tiết kiếm được chi phí và thời gian. Đây là phương thức học tập linh hoạt, tối ưu và nhất quán nội dung truyền tải. Phương thức này được sự hỗ trợ của công nghệ giúp hệ thống hoá việc đánh giá tiến độ, phân tích dữ liệu và giải đáp thông tin".
Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức này chính là "thiếu đi yếu tố cảm xúc và không gian, hạn chế sự tương tác trực tiếp giữa người dạy và người học. Để có thể áp dụng được phương thức này, phụ thuộc nhiều vào sự chủ động của sinh viên".
Theo hai diễn giả, eLearning là một xu hướng của thế giới với nhiều chương trình học (Courseda, Edx, Khanacademy...), dạy kỹ năng qua Youtube, các khoá học trực tuyến về từng chuyên đề và kỹ năng cụ thể không đòi hỏi bằng cấp. Tại Việt Nam, các chương trình đại học trực tuyến như FUNiX, Topica... đã áp dụng phương thức eLearning vào giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, yếu tố theo chốt vẫn phụ thuộc và tính tự giác và động lực của người học.
Chia sẻ bài học thực tế tại Đại học Thành Tây, diễn giả Nguyễn Đình Khiêm bật mí "Trường đã nghiên cứu xong việc xây dựng hệ thống học tập theo phương thức eLearning và chuẩn bị kỹ càng cho hệ thống này. Dự kiến, trong thời gian tới, Thành Tây sẽ chính thức áp dụng eLearning vào việc giảng dạy, tỷ lệ khoảng 30-40% môn học".
Khó khăn và trăn trở lớn nhất của hai diễn giả này là làm sao để xây dựng và duy trì động lực học cho sinh viên của mình.
"FUNiX Way - giải pháp tổng thể nâng cao năng lực tự học online" - câu trả lời từ diễn giả Phan Phương Đạt
Ngay sau phần trình bày của hai diễn giả Nguyễn Đình Khiêm và Trần Vũ Hùng, tham luận của TS. Phan Phương Đạt (Trưởng Ban Đào tạo, Chương trình Đại học trực tuyến FUNiX) đã giải đáp một phần câu hỏi "làm thế nào để xây dựng và duy trì động lực học tập cho sinh viên?".
Theo TS. Phan Phương Đạt "Quan điểm của FUNiX là môn nào cũng có thể dạy online. Tuy nhiên, việc học online cần năng lực tự học, bao gồm tự duy trì động lực và kỹ năng tự học online". Tuy nhiên, bản thân FUNiX cũng xác định rõ ràng, cần tuyển được đúng người có khả năng tự học thì học viên sẽ dễ dàng duy trì được việc học tập.
FUNiX Way giống như 'người chỉ đường' giúp người học xác định được mục tiêu học tập của mình. Điểm đặc biệt ở FUNiX, đó là có hẳn một đội ngũ chăm sóc học viên - Hanah để vừa hướng dẫn, động viên và 'dỗ' sinh viên. Bên cạnh đó, FUNiX còn duy trì tổng đài Mentory (một ứng dụng hoạt động như fanpage Facebook), luôn hỗ trợ và giải đáp các thắc mắc của học viên trong suốt quá trình học tập.
Diễn giả Phan Phương Đạt cũng không ngại ngần bật mí con số hơn 40% người học tại FUNiX không hoàn thành bất kỳ môn học nào. Tiến sĩ Đạt hài hước ví von "cũng giống như việc có rất nhiều người đăng ký mua vé tháng để tập GYM nhưng thậm chí không đến phòng GYM một buổi nào".
Educamp 2017 khép lại, nhiều vấn đề đã được chia sẻ và làm rõ đồng thời mở ra những chủ đề mới cần nghiên cứu. Educamp sẽ tiếp tục là diễn đàn mở bổ ích để các cán bộ, giảng viên có cơ hội tiếp nhận kiến thức, chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm của mình cho sự phát triển của nền giáo dục nói chung.
Quỳnh An