Khoa Học - Công Nghệ

Những tham luận đáng chú ý tại FPT Educamp qua các năm

02/11/2022
Admin
1097

Được tổ chức lần đầu tiên năm 2014, FPT Educamp đã thu hút nhiều diễn giả với những đề tài tham luận đáng chú ý như "Vai trò của AI trong cá thể hoá Giáo dục là gì?", "MOOC và tôi", "Trường học 4.0 – Nơi học sinh bước ra thế giới"…

“MOOC và tôi”

“MOOC và tôi” là tham luận của diễn giả Hồ Thị Thảo Nguyên (FPT Education) tại FPT Educamp 2015. Năm 2015 là thời điểm Tập đoàn FPT đẩy mạnh mô hình về tổ chức học tập, với những động thái mạnh mẽ và cụ thể tại FPT và các đơn vị thành viên. MOOC là một công cụ học tập được tập đoàn khuyến khích. Cụ thể, tập đoàn đã ban hành quy định về Đào tạo nội bộ như các cán bộ từ level 3 trở lên phải hoàn thành một khóa học trực tuyến hoặc khóa học chuyên môn của đơn vị… Điều này đến nay vẫn “nóng” và được quan tâm nhiều hơn trong Tổ chức FPT Edu.

Diễn giả Hồ Thị Thảo Nguyên

Mang đến EduCamp 2015 đề tài “MOOC (Massive Open Online Course) và tôi”, tham luận của diễn giả Hồ Thị Thảo Nguyên – FPT Education đã làm “nóng” diễn đàn này.

Trong bài tham luận trình bày tại EduCamp 2015, chị Nguyên nói về trải nghiệm cá nhân trong việc học online, để có thể giúp các đồng nghiệp của mình tiếp cận các khóa học một cách chủ động hơn, tự tin hơn, dễ dàng hơn.

Chị Nguyên cho biết, bản thân chị đã nhận thấy những hiệu quả to lớn của việc học online, mà khởi đầu từ một quy định “bắt buộc” trong công việc.

“Từ một khóa học ban đầu, mình đã theo học cả một chuỗi 8 khóa học cùng chủ đề, và tiếp tục học thêm 2 khóa học khác, rất hữu ích cho chuyên môn của mình. Càng học, mình càng thấy hấp dẫn, có động lực. Một phần quan trọng trong bài trình bày của mình tại Educamp, đó là nói về kinh nghiệm học trực tuyến sao cho hiệu quả, làm thế nào để vượt qua sự lười biếng của bản thân, từng bước tận dụng tối đa những nguồn học liệu mở, uy tín để nâng cao chuyên môn, năng lực của mình” – chị Thảo Nguyên chia sẻ.

“Trường học 4.0 – Nơi học sinh bước ra thế giới”

Đây là một trong những tham luận đặc biệt khi được nghiên cứu và chia sẻ bởi chị Phùng Thị Hiên (hiện là Phó Hiệu trưởng Trường THPT FPT Hà Nội) và các học sinh của Trường tại FPT Educamp 2018.

Chị Phùng Thị Hiên cùng các bạn học sinh: Phan Tiến Mạnh, Trịnh Vũ Hưng, Nguyễn Giang Nam với đề tài tham luận “Trường học 4.0 – Nơi học sinh bước ra thế giới” đã nhận được nhiều chia sẻ đồng thuận từ người tham dự ngay sau khi kết thúc bài trình bày tại FPT Educamp 2018 với chủ đề "Trường học 4.0".

Dẫn dắt cho bài tham luận, chị Phùng Thị Hiên chia sẻ: “Bậc THPT là giai đoạn mà các bạn học sinh đang có những bước chuyển mình trong định hướng nghề nghiệp. Câu hỏi đặt ra trong tham luận là: Làm nghề gì để phù hợp với thời đại? Môi trường giáo dục thì phải đào tạo lĩnh vực gì trong giai đoạn chuyển giao cách mạng 4.0?” Đồng thời, chị cũng đưa ra cách mà THPT FPT Hà Nội đang áp dụng như tập huấn các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21; tập huấn về phương pháp giáo dục STEM; thực hiện các hoạt động định hướng cho môn Tin học qua các chương trình về Photoshop, thiết kế web, cơ sở dữ liệu, lập trình…; tổ chức chuỗi hội thảo định hướng như Công dân trong thời đại số, Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của người trẻ, Hội thảo về chương trình Mã nguồn mở – Google code in.

Ngoài ra, THPT FPT còn xây dựng môi trường truyền cảm hứng và thực hiện các chương trình giao lưu với các trường trong nước và quốc tế, tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi lớn trong và ngoài nước, theo tham luận của chị Hiên và các học sinh THPT FPT Hà Nội.

FPT Educamp 2018 với chủ đề "Trường học 4.0" là năm đầu tiên ghi nhận sự tham gia của học sinh THPT FPT với vai trò diễn giả

Tiếp theo phần chia sẻ của chị Phùng Thị Hiên là phần trình bày của 3 thành viên CLB FRIT (FPTSchool Robotics & Information Technology) của THPT FPT Hà Nội: Phan Tiến Mạnh, Trịnh Vũ Hưng, Nguyễn Giang Nam. Ba diễn giả trẻ tuổi của THPT FPT Hà Nội tự tin trình bày về việc quá trình học tập tại trường đã làm bước đệm để các em phát hiện ra sở thích về lập trình robot, từ đó có cơ hội giao lưu với các đội Robotics tại các trường THPT trên địa bàn thành phố như: THPT Chuyên Amstersdam, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.

Đặc biệt, các bạn còn có cơ hội giao lưu với các anh chị trong CLB Robotics của ĐH Macquarie, Úc. Để cho bài tham luận trở nên sinh động, 3 học sinh đã mang 2 chú robot vô cùng đặc biệt trình diện trước khán giả. Được biết, một trong 2 chú robot chính là người bạn đồng hành của các em trên hành trình chinh phục tấm huy chương Đồng tại giải đấu FIRST Global 2018 trên đất Mexico hồi tháng 8/2018. Thành tích của các bạn xuất phát từ những giờ sinh hoạt trong CLB lập trình robot nằm trong hoạt động hướng nghiệp của trường.

Kết thúc bài tham luận là hình ảnh chú robot di chuyển và thực hiện những động tác vận chuyển đồ vật một cách linh hoạt và đẹp mắt. Đó cũng là một minh chứng rõ ràng cho việc thầy và trò THPT FPT Hà Nội đang từng bước chuyển mình tiến đến cuộc cách mạng 4.0 trong trường học.

"Beyond Classroom: How to connect students with digital companies?", diễn giả Nguyễn Minh Hải, FPT Educamp 2019

Năm 2019, giữa bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra rộng rãi trên các lĩnh vực, với chủ để Chuyển đổi số trong Giáo dục, FPT Educamp đã thu hút hơn 300 người tham dự. Trong đó, anh Nguyễn Minh Hải đã mang đến cho sự kiện bài trình bày với chủ đề Beyond Classroom: How to connect students with digital companies?.

FPT Educamp 2019 được tổ chức với chủ đề "Chuyển đổi số trong Giáo dục"

Trong bài trình bày, diễn giả Nguyễn Minh Hải sẽ đem tới những thông tin về việc chia sẻ kinh nghiệm về cách tạo cơ hội cho sinh viên tích lũy kinh nghiệm trong quá trình học cùng trải nghiệm, bằng cách xây dựng mối quan hệ với các công ty Digital tại Đà Nẵng. Trong mối quan hệ này, các công ty yêu cầu sinh viên giải quyết các vấn đề kinh doanh của họ bằng cách phát triển các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề kinh doanh. Thông qua đó, sinh viên sẽ tự học các bài học thực tế, làm phong phú tiến trình học cùng trải nghiệm của các em.

Chia sẻ về lý do chọn đề tài, diễn giả Nguyễn Minh Hải cho biết:

“Sinh viên cần có trải nghiệm doanh nghiệp, học cùng trải nghiệm từ doanh nghiệp, đều này giúp các em thoát khỏi việc chỉ “biết” mà thiếu “làm thực tế”. Điều này được thể hiện trong tầm nhìn của FE Industry Relevant.

Bên cạnh đó, muốn đi xa thì ta ko thể đi một mình. Phải kết nối với doanh nghiệp, và đứng trên vai những người khổng lồ - những doanh nghiệp số để sinh viên mình có cơ hội học cùng trải nghiệm.

Đồng thời, sinh viên FPT Edu thực ra cũng đem lại lợi ích cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp quan tâm đến tuyển dụng SV ngay khi còn đang học. Đặc biệt, những sinh viên này có thể đưa ra những ý tưởng, giải pháp sáng tạo giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề của họ”.

Năm 2022, ở năm thứ 7 tổ chức, FPT Educamp trở lại với chủ đề "Làm gì cho SDG4?/SDG4 in action", với mong muốn ở lần trở lại lần này, FPT Educamp sẽ là dịp để những người làm giáo dục và quan tâm đến giáo dục có thể chia sẻ, thảo luận, kết nối, học hỏi từ nhau những quan điểm, kinh nghiệm về SDG4.

Tại sự kiện FPT Educamp năm nay, các báo cáo viên có thể lựa chọn trình bày các nội dung xoay quanh chủ đề lớn, bao gồm nhưng không giới hạn một số nội dung như: đảm bảo bình đẳng giới tính và công bằng trong giáo dục, mang đến giáo dục có chất lượng từ tiểu học, trung học, đào tạo nghề và đại học, đảm bảo người học đạt được kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững thông qua giáo dục về sự phát triển bền vững và các lối sống bền vững…

Hiện tại, cổng đăng ký của FPT Educamp 2022 đã mở tại tại đây, CBGV FPT Edu và những người quan tâm tới Hội thảo có thể sử dụng Gmail cá nhân để đăng ký ngay hôm nay.

Hải Ngân (tổng hợp)

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

1097
Version: 1.2.2.2