Những đề tài hấp dẫn từng được CBGV FPT Edu mang tới 2 mùa hội thảo FCBEM
Trong số gần 60 công trình nghiên cứu được trình bày tại 2 mùa Hội thảo khoa học chuyên ngành Kinh tế (FCBEM), các CBGV FPT Edu đã giới thiệu nhiều đề tài ấn tượng, cho thấy sự phát triển trong công tác nghiên cứu khoa học của Tổ chức.
Ở mùa đầu tiên, đề tài “Assessment of knowledge gaps between the learning outcomes of business programs and recruitment requirements in Vietnam” của anh Đào Phương Bắc (FSB) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các khách mời khi đánh giá khoảng cách kiến thức của sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường đại học ở Việt Nam so với yêu cầu việc làm của doanh nghiệp bằng cách khảo sát mục tiêu, kết quả học tập của các trường đại học
Nếu như nhà tuyển dụng ở Việt Nam khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự trẻ phù hợp với doanh nghiệp thì các trường đại học cũng nhận thấy nhiều điểm hạn chế trong chương trình đào tạo cho sinh viên. Từ đây, anh Bắc đưa ra phương pháp cải thiện, phát triển các mục tiêu và kết quả học tập cụ thể cho các chương trình kinh doanh của trường học để sinh viên đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Đồng thời, góp phần cải tiến thiết kế chương trình giúp doanh nghiệp dễ dàng tìm được ứng viên phù hợp, giúp sinh viên tìm được việc làm đúng với ngành học.
Đề tài “Competition and Bank Diversification: Evidence from a Quasi-natural Experiment” của anh Lưu Ngọc Hiệp và các công sự Đinh Thị Khánh Linh, Giang Thị Minh Thảo là một trong những báo cáo xuất sắc được trao tại FCBEM 2020. Khi nghiên cứu về tác động của cạnh tranh đến đa dạng hóa ngân hàng, nhóm giảng viên nhận thấy tác động của cạnh tranh gay gắt đối với đa dạng hóa ngân hàng là nổi bật hơn đối với các ngân hàng có thanh khoản thấp hơn và rủi ro thấp hơn.
Tại FCBEM năm 2022, chị Shruthi Thaiveppil Gopi đã được trao tặng giải thưởng Báo cáo viên xuất sắc với đề tài “Widening of The Digital Divide by Advanced Online Classroom & Persistence of Virtual Learning after The Pandemic Era”. Báo cáo này nghiên cứu về việc triển khai các lớp học trực tuyến nâng cao trong việc mở rộng học tập kỹ thuật số và cũng như sự tồn tại của học tập ảo sau kỷ nguyên đại dịch. Đồng thời đề xuất việc tiếp tục dạy và học bằng cách hợp tác với Thế giới kỹ thuật số để có kết quả hiệu quả cao và quản lý lớp học – trong và sau đại dịch Covid-19.
Công trình nghiên cứu “Optimization Model for Assessing The Process and Production Planning to Help Reduce Risk and Improve The Management and Operation of Seafood Processing Factory” của anh Nguyễn Thắng Lợi cùng các cộng sự Phan Đình Trâm Anh, Nguyễn Trọng Luân là báo cáo tiếp theo được trao giải.
Nhóm tác giả đánh giá việc thu hồi sản phẩm là yếu tố cạnh tranh then chốt, xu hướng tất yếu trong sản xuất ở khía cạnh dịch vụ khách hàng. Từ đó đưa ra mô hình toán học để tối ưu hóa khả năng truy xuất nguồn gốc dựa trên phương pháp phân tán khối lượng nhằm giảm thiểu chi phí thu hồi sản phẩm. Kết quả cho thấy mô hình đề xuất là khả thi và hoàn toàn có thể thích ứng khi các thông số thị trường thay đổi.
Qua mỗi mùa tổ chức, hội thảo FCBEM đã ghi nhận những công trình nghiên cứu có tính thời sự, đầu tư tâm huyết và chất xám của các CBGV FPT Edu. Bước sang mùa thứ 3, FCBEM tiếp tục là sự kiện học thuật uy tín, là nơi để các nhà khoa học đóng góp và phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học nước nhà.
Các cá nhân đăng ký tham gia FCBEM 2022 tại đây và gửi Tóm tắt tham luận theo form đăng ký của Ban tổ chức công bố trên website Tổ chức Giáo dục FPT.
Nộp Toàn văn tham luận qua hệ thống EasyChair.
Theo dõi các thông tin về hội thảo tại Fanpage FCBEM - Hội thảo Kinh tế FPT Edu, Group nội bộ FPT Education Conference on Business, Economics & Management và website Tổ chức Giáo dục FPT.
Huệ Anh
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn