Lộ diện các keynote tham dự FPT Educamp 2022
FPT Educamp 2022 có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học xã hội, giáo dục như GS Ka Ho Mok (ĐH Lingnan, Hồng Kông), ThS. Đỗ Thị Minh Thủy và TS. Trương Thị Anh Đào (FPT Edu) trong vai trò keynote. Các keynote sẽ đem đến Hội thảo nhiều chia sẻ liên quan đến việc đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Keynote 1: Giáo sư Ka Ho Mok - Đại học Lingnan, Hồng Kông
Giáo sư Joshua Mok Ka-ho là Phó Hiệu Trưởng, kiêm Giáo sư Lam Man Tsan về Chính sách So sánh của Đại học Lingnan, Hồng Kông. Trước đó, ông tốt nghiệp Cử nhân ngành Quản trị Xã hội và Quản trị Công tại Đại học Thành phố Hồng Kông vào năm 1989, là Thạc sĩ Triết học, Đại học Trung văn Hồng Kông năm 1991 và Tiến sĩ Xã hội học, Học viện Kinh tế và Chính trị London năm 1994. Giáo sư Mok cũng từng được trao tặng danh hiệu Giáo sư Tràng Giang bởi Bộ Giáo dục, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhờ các đóng góp giá trị của ông.
Trước khi công tác tại Đại học Lingnan, ông đã từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức giáo dục, báo chí, truyền thông:
- Phó Hiệu trưởng Nghiên cứu và Phát triển, kiêm Giáo sư ngành Chính sách Đối chiếu của Đại học Giáo dục Hồng Kông.
- Phó chủ nhiệm khoa và Giáo sư ngành Chính sách Xã hội, Khoa học & Xã hội, Trường Đại học Hồng Kông.
- Chuyên gia sáng lập của bộ môn Đông Nam Á học.
- Người sáng lập Trung tâm Đông Nam Á học của Đại học Bristol, Vương quốc Anh.
- Tổng biên tập của Tạp chí Chính sách Công Châu Á (London: Routledge), Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Châu Á (Emerald) và Biên tập viên của Tạp chí Routledge và Springer.
Suốt quá trình công tác của mình, Giáo sư Mok dành thời gian nghiên cứu các lĩnh vực, từ xã hội học, khoa học chính trị, chính sách xã hội và chính sách công, tới các lĩnh vực chuyên môn về Trung Quốc và khu vực.
Ông cũng đã xuất bản nhiều bài nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực, bao gồm chính sách giáo dục so sánh, nghiên cứu chính sách và phát triển so sánh, và phát triển xã hội Trung Quốc và Đông Á đương thời.
Đặc biệt, Giáo sư Mok đã có rất nhiều đóng góp trong việc thay đổi xã hội và chính sách giáo dục, trong đó phải kể tới phong cách lãnh đạo và định hướng khởi nghiệp được truyền tải vào công tác chuyên môn. Bài báo xuất bản gần đây nhất của ông chú trọng vào nội dung phát triển xã hội so sánh và sự hưởng ứng về chính sách xã hội tại khu vực Trung Quốc và Đông Á.
Ngày 11/12 tới, Giáo sư Ka Ho Mok sẽ mang đến hội thảo FPT Educamp 2022 phần chia sẻ với đề tài: "Promoting Innovation and Care for Student Learning: Enhancing Quality Education in Turbulent Times" (Tạm dịch: “Thúc đẩy sáng tạo và chú trọng tới việc học tập của sinh viên Nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh nhiễu loạn")
Theo ông, chương trình giáo dục và học tập sau đại học đã phải chịu ảnh hưởng đáng kể từ khoảng cuối 2019 khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Sau khoảng thời gian khó khăn đó, các nhà lãnh đạo chương trình giáo dục sau đại học cần rà soát lại các phương pháp nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt khi trải nghiệm học tập của sinh viên đã phải chịu ảnh hưởng đáng kể bởi cuộc khủng hoảng bệnh dịch toàn cầu đó.
Từ bối cảnh trên, Giáo sư Ka Ho Mok sẽ bàn về cách thức thúc đẩy sáng kiến và sự chú trọng tới việc nâng cao “Giáo dục chất lượng" cho giới trẻ, chuẩn bị hành trang cho sinh viên trong bối cảnh tương lai với nhiều điều không chắc chắn.
Keynote 2: ThS. Đỗ Thị Minh Thủy - Trưởng Ban đảm bảo chất lượng, Trường ĐH FPT và Tiến sỹ Trương Thị Anh Đào - Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng, ĐH FPT campus TP. HCM
FPT Educamp năm nay có sự tham gia của 2 diễn giả là người FPT Edu với vai trò Keynote: ThS. Đỗ Thị Minh Thủy - Trưởng Ban đảm bảo chất lượng, Trường ĐH FPT và Tiến sỹ Trương Thị Anh Đào - Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng FPT Edu ĐH FPT campus TP. HCM.
Diễn giả Đỗ Thị Minh Thủy tốt nghiệp Thạc sỹ Quản lý Giáo dục tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2015. Hiện chị đang là Trưởng Ban đảm bảo chất lượng, Trường Đại học FPT.
Tiến sỹ Trương Thị Anh Đào xuất thân là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Giáo dục học năm 1997. Chị tốt nghiệp Tiến sỹ tại Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam (VAST), chuyên ngành: Quang phổ Laser năm 2003 và hoàn thành chương trình học sau tiến sỹ tại Đại học quốc gia Seoul (SNU) năm 2006 - 2007, tại Đại học Massachusett, Boston (UMass) năm 2008.
Dự kiến, hai diễn giả FPT Edu sẽ đem tới FPT Educamp 2022 tham luận mang tên: "Implementation of Sustainable Development Goals in Higher Education Institution according to THE Impact Rankings - a case study at FPT University"- .
Hai diễn giả chia sẻ trước thềm hội thảo: "Với Trường Đại học FPT, một đại học cần làm tốt 5 việc: Đào tạo; Nghiên cứu; Quốc tế hóa - Toàn cầu hóa; Quan hệ doanh nghiệp - Việc làm sinh viên và Hoạt động cộng đồng. Ngay từ khi thành lập năm 2006 và được điều chỉnh cho phù hợp vào các giai đoạn sau, các định hướng này được xác định và nhất quán với nhiều nội dung trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Từ năm 2020 đến 2021, ĐH FPT áp dụng bảng xếp hạng THE Impact Rankings, các hoạt động này được xác định rõ ràng hơn và được đẩy mạnh hơn nữa. ĐH FPT là 1 trong 7 trường đại học Việt Nam tham gia THE Impact Rankings 2022 và đạt kết quả đầu tiên đáng khích lệ, xếp thứ 801-1000 trong các trường đại học trên thế giới. Trong các mục tiêu Phát triển bền vững, mục tiêu số 4 (SDG 4) về Chất lượng giáo dục được Trường ĐH FPT đặc biệt quan tâm và triển khai các hoạt động nhằm góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững cho giáo dục.
Báo cáo này điểm lại một số hoạt động của ĐH FPT nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là SDG 4 - Chất lượng giáo dục, theo các yêu cầu trong 17 mục tiêu phát triển bền vững".
Để lắng nghe những chia sẻ đến từ 3 diễn giả, người tham dự có thể đăng ký ngay tại đây và cùng trao đổi, thảo luận về chủ đề "Làm gì cho SDG4?/SDG4 in action" tại hội thảo FPT Educamp 2022.
Hải Ngân
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn