Keynote và người tham dự trao đổi sôi nổi tại phiên khai mạc FCBEM 2022
Cách tiếp cận khác biệt của hai keynote: PGS. TS. Lai Fong Woon và TS. Quảng Đại Tuyên về chủ đề phát triển bền vững trong lĩnh vực Kinh tế khiến hội trường FCBEM 2022 "nóng" lên với những trao đổi, chia sẻ sôi nổi tại phiên khai mạc.
Ở phần chia sẻ mở màn FCBEM 2022, PGS. TS. Lai Fong Woon (Trưởng khoa Quản trị và Nhân văn, Đại học Công nghệ PETRONAS, Malaysia) đã đưa ra các định nghĩa xoay quanh việc quản lý rủi ro ESG của doanh nghiệp. Theo đó, ESG là 3 khía cạnh của việc phát triển bền vững bao gồm môi trường (E), xã hội (S) và chính phủ (G) mà doanh nghiệp cần tích hợp vào hoạt động của mình. ESG bắt nguồn từ mối quan tâm của bộ máy lãnh đạo cũng như người dân về hướng giải quyết của doanh nghiệp cho các vấn đề biến đổi khí hậu, tiêu chuẩn lao động công bằng và đạo đức kinh doanh của chính doanh nghiệp đó.
Các hệ thống đánh giá ESG đã được xây dựng để đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp, do vậy các doanh nghiệp cần chú trọng tích hợp các chỉ số ESG vào các hoạt động quản trị rủi ro của mình. Thang đánh giá ESG xếp hạng các doanh nghiệp dựa trên chỉ số ESG, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp dựa trên thang bền vững, và có thể được hoàn thiện dựa vào các hoạt động quản trị rủi ro ESG.
Theo PGS. TS. Lai Fong Woon, việc không tuân thủ chủ trương ESG có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ giữa doanh nghiệp - nhà đầu tư, giữa doanh nghiệp - xã hội và các bên liên quan, cũng như ảnh hưởng tới các khoản vay bên ngoài của doanh nghiệp, làm gia tăng chi phí sử dụng vốn vay và tài sản ròng của doanh nghiệp. ESG không chỉ là trọng tâm của đầu tư bền vững toàn cầu mà còn có vai trò quan trọng trong chiến lược xây dựng giá trị dài hạn tại các quốc gia ASEAN như Malaysia và Việt Nam. Cùng với yêu cầu toàn của cầu về việc bám sát chủ trương ESG, chính phủ và các doanh nghiệp ở khắp các lĩnh vực đang ngày càng nỗ lực giải quyết các vấn đề về ESG và thúc đẩy hoạt động ESG một cách tối ưu nhất.
Phần chia sẻ của PGS. TS. Lai Fong Woon thu hút sự quan tâm của nhiều CBGV FPT Edu có mặt tại phiên khai mạc FCBEM 2022. TS. Phạm Thành Vinh (ĐH FPT campus Hà Nội) đặt câu hỏi: "Làm sao để phân tách được mối quan hệ giữa ESG và khả năng sinh lời của doanh nghiệp? Liệu ESG có nâng cao khả năng sinh lời của doanh nghiệp, hay chính khả năng sinh lời lại là lợi thế để doanh nghiệp có thể đầu tư nhiều lợi nhuận vào ESG?". Trao đổi với TS. Phạm Thành Vinh, PGS. TS. Lai Fong Woon cho biết đây sẽ là câu hỏi gợi mở thêm những hướng nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.
Ở phần chia sẻ thứ hai trong phiên khai mạc, TS. Quảng Đại Tuyên (GV khoa Quản trị Dịch vụ Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Trường ĐH Công nghệ TP. HCM) lựa chọn chia sẻ chủ đề: "Nghiên cứu du lịch bền vững trong thế kỷ 21: Xu hướng và gợi mở hướng nghiên cứu trong tương lai ở Việt Nam".
Tham luận đã gợi mở những xu hướng nghiên cứu về phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch. Trong bối cảnh hiện tại với sự thay đổi của khí hậu sinh thái, dịch bệnh, hoạt động kinh doanh du lịch, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và nhận thức ngày càng cao của công chúng về hoạt động liên quan đến phát triển du lịch bền vững, các nghiên cứu trong tương lai được khuyến khích theo kịp xu hướng và nhu cầu này. TS. Quảng Đại Tuyên đưa ra 3 hướng nghiên cứu cụ thể.
Một là, các nghiên cứu về du lịch bền vững cần phải hiểu và chú trọng đến các chính sách về môi trường và biến đổi khí hậu ở các quốc gia và toàn cầu để có những giải pháp ứng phó với những thách thức do biến đổi khí hậu đặt ra đối với du lịch bền vững.
Hai là, du lịch bền vững cần tiếp tục khám phá mối quan hệ giữa các khái niệm liên quan đến doanh nghiệp du lịch và các cá nhân như chiến lược kinh doanh, nhận thức cộng đồng, trách nhiệm xã hội...
Ba là, hoạt động nghiên cứu cần tận dụng công nghệ số, đặc biệt là cần khai thác dữ liệu lớn (ví dụ như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, thiết bị di động và GPS) và trí tuệ nhân tạo để đổi mới nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch bền vững.
Bài trình bày của TS. Quảng Đại Tuyên đã mang đến một bức tranh toàn cảnh về các vấn đề phổ biến trong lĩnh vực du lịch bền vững để các nhà nghiên cứu có thể cân nhắc các chủ đề phù hợp và cần thiết cho các nghiên cứu khoa học của mình, đồng thời giúp cho các bên liên quan có thể nhận diện được sự thay đổi lớn trong nghiên cứu và ứng dụng du lịch hiện nay.
Tham gia trao đổi trong phiên chia sẻ, TS. Nguyễn Trọng Luân (ĐH FPT campus Cần Thơ) đặt câu hỏi: "Khi nghiên cứu về du lịch bền vững, có rất nhiều key word xuất hiện như "trách nhiệm trong du lịch", "du lịch xanh", "du lịch cộng đồng", "du lịch trải nghiệm", "du lịch tự nhiên"... và những khái niệm này có sự chồng chéo. Vậy, TS. Quảng Đại Tuyên có tiêu chuẩn gì để phân biệt giữa du lịch bền vững và các khái niệm trên hay không?". TS. Quảng Đại Tuyên cho biết, đây là một câu hỏi không dễ trả lời và cần thêm nhiều thời gian để nghiên cứu, tuy nhiên một phần của câu trả lời đã được TS. Quảng Đại Tuyên trình bày trong toàn văn tham luận mà vì giới hạn thời gian nên không thể chia sẻ tại hội thảo. TS. Quảng Đại Tuyên gợi ý TS. Nguyễn Trọng Luân có thể giữ liên lạc để tiếp tục trao đổi thêm về vấn đề này.
Sau phần chia sẻ của 2 keynote, Hội thảo Khoa học khối ngành Kinh tế của Tổ chức Giáo dục FPT (FCBEM) 2022 tiếp tục diễn ra với các hoạt động thảo luận tại phòng với 18 phiên tham luận diễn trọn vẹn trong chiều 26/11.
Thục Anh
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn