FPT Educamp 2018 mùa thứ 5 chính thức khai mạc
FPT Educamp 2018 đã chính thức khai mạc sáng nay (25/11) tại campus Hòa Lạc, thu hút hơn 300 người tham dự là các CBGV của Tổ chức Giáo dục FPT, chuyên gia giáo dục đến từ các trường đại học uy tín trong và ngoài nước. Với 2 phiên toàn thể và gần 60 phần trình bày, hội thảo năm nay được đánh giá là có nội dung thu hút và thiết thực với những câu chuyện xoanh quanh chủ đề "Trường học 4.0”.
Tham dự Hội thảo có ông Takumi Miyoshi - Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế, Học viện Công nghệ Shibaura, Nhật Bản - Keynote 1, ông Nguyễn Văn Tâm – Founder CEO Công ty CP Công nghệ TAMAI – Keynote 2, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng ĐH FPT, bà Nguyễn Kim Ánh – Phó Hiệu trưởng ĐH FPT, ông Nguyễn Xuân Phong – Phó Hiệu trưởng ĐH FPT cùng gần 300 CBGV là các diễn giả và người tham dự Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ, “FPT Educamp là cơ hội để các bạn vươn lên đỉnh cao của giáo dục đào tạo. Tại đây, các bạn sẽ được trao đổi, chia sẻ mọi kiến thức, kỹ năng, phương pháp… trong dạy và học để thay đổi. Đó chính là tái giáo dục để có lực lượng lao động 4.0. Nghĩ gì? Làm gì? Làm lúc nào và làm như thế nào? là những câu hỏi mà các bạn phải tự hỏi và tự trả lời trong buổi Hội thảo này. Bởi các bạn chính là những người sẽ đẩy mạnh giáo dục và thay đổi giáo dục. Đặc biệt, những người làm giáo dục phải những người tiên phong đón đầu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 chứ không phải đuổi kịp.”
Chủ đề lớn của FPT Educamp 2018 là “Trường học 4.0”, vì thế các bài trình bày trong Hội thảo đều chọn khai thác các góc liên quan đến chủ đề này như: Đổi mới cách học trong thời 4.0, Truyền thông và công nghệ số, Tuyển sinh trong thời đại 4.0…
Mở màn Hội thảo, ông Takumi Miyoshi - Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế, Học viện Công nghệ Shibaura, Nhật Bản -Keynote 1 đã trình bày vấn đề nóng bỏng về nguồn nhân lực thời 4.0 “Nuôi dưỡng các kỹ sư và nhà khoa học toàn cầu thông qua các chương trình GPBL trong Kỷ nguyên xã hội 4.0”. Đề tài này xuất phát từ thực tế của Nhật Bản khi quốc gia này là một trong số những nước bước vào xã hội siêu lão hóa đầu tiên trên thế giới, và để duy trì sự phát triển bền vững trong thời đại 4.0 Nhật Bản đã buộc phải có những cải tiến mới.
Theo ông Takumi Miyoshi, những cải tiến này được trông đợi trong giáo dục. Chính vì vậy, bài tham luận của ông tập trung bàn luận đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và phát triển các dự án học tập toàn cầu đã và đang được thực hiện tại Học viên Công nghệ Shibaura. Đây là cách để nuôi dưỡng các kỹ sư và nhà khoa học toàn cầu trong tương lai. Cụ thể, bằng cách học tập dựa trên dự án toàn cầu (GPBL) – phương pháp giáo dục mới trong thời đại xã hội siêu thông minh. Phương pháp này là phiên bản toàn cầu của PBL đã được thực hiện với các trường đại học đối tác ở nước ngoài. Các nhóm quốc tế sẽ cùng thảo luận để giải quyết các vấn đề trong giáo dục và đề xuất các ứng dụng CNTT thông minh như IoT, AI. Từ đó, hướng tới việc phát triển kỹ năng và khả năng thích ứng cho các kỹ sư và nhà khoa học toàn cầu trong thời đại công nghệ 4.0.
Tại phiên toàn thể buổi chiều, chọn đề tài "Đào tạo thế hệ dẫn đầ cho ngành CNTT trong thời kỳ hội nhập và Cách mạng Công nghệ 4.0" GS Nguyễn Văn Tâm đã đem đến góc nhìn mới về đào tạo nhân lực ngành CNTT cho CBGV FPT Edu cũng như những người quan tâm đến giáo dục.
Ở tuổi thứ 5, FPT Educamp đã đẩy mạnh tính kết nối giữa diễn giả các nhân - doanh nghiệp - người tham dự bằng cách tổ chức song song: thảo luận tại phòng và triển lãm poster. Trong đó, triển lãm poster là hoạt động mới, lần đầu xuất hiện trong hội thảo giáo dục duy nhất do FPT Edu tổ chức. Theo đó, diễn giả - là cá nhân hoặc đại diện doanh nghiệp đăng ký trình bày tham luận đã trưng bày poster để trực tiếp chia sẻ quan điểm của mình về một vấn đề trong chủ đề lớn “Trường học 4.0” với người tham dự.
Với tiêu chí “xương sống mà Educamp đã đề ra từ khi khởi xướng ý tưởng: ai cũng được trình bày, khuyến khích người tham dự không chỉ đến nghe mà còn đến để nói, chia sẻ FPT Educamp 201 vẫn duy trì hình thức trình bày tại các phòng như truyền thống. Đồng thời, “quy tắc hai chân” người tham dự chủ đọng lựa chọn chủ đề muốn nghe, nếu không thích hãy sử dụng hai chân để tự do di chuyển sang phòng khác bất kỳ thời điểm nào. Mỗi diễn giả sẽ có 30 phút trình bày tham luận, hỏi đáp tại phòng.
Tuệ Lâm
FPT EduCamp là hội thảo mở được Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) tổ chức hàng năm để kết nối các giảng viên, cán bộ, chuyên gia quản lí giáo dục và đào tạo, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Tại hội thảo, người tham dự có thể chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và của FPT Edu nói riêng.
Năm thứ 5 được tổ chức, FPT EduCamp 2018 chọn chủ đề chính là ‘Trường học 4.0’, hướng đến các chia sẻ và thảo luận xung quanh những nhóm tiêu đề như: Hoạt động Dạy và Học; Nghiên cứu Khoa học; Hợp tác Quốc tế; Đảm bảo chất lượng; Thiết kế chương trình; Tuyển sinh; Các dịch vụ trong trường học: Công tác sinh viên, Quan hệ doanh nghiệp, Tư vấn tâm lý, Phát triển cá nhân (PDP), Tổ chức và Quản lý đào tạo...; Vận hành trường học; Kinh nghiệm triển khai Giáo dục trong thời đại 4.0.
|