Khoa Học - Công Nghệ

CBGV FPT Edu chia sẻ kinh nghiệm làm NCKH, bạn đã sẵn sàng tham gia FCBEM 2021?

27/08/2021
Admin
883

FCBEM 2021 nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà nghiên cứu trong và ngoài FPT Edu. Đặc biệt, các báo cáo viên mùa 1 đã có những chia sẻ tâm huyết về kinh nghiệm “hoàn thiện một công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn” – gửi tới các CBGV, sinh viên, học viên tham gia hội thảo năm nay.

TS. Nguyễn Duy Nghiêm: Giám đốc Đại học Greenwich (Việt Nam) cơ sở Đà Nẵng

Với kinh nghiệm làm NCKH của mình, TS. Nguyễn Duy Nghiêm chỉ ra điều quan trọng nhất là biết cách quản lý thời gian, đánh giá mức độ ưu tiên và khả năng tuân thủ nghiêm túc.

“Lúc nào bạn cũng có thể bị những việc ngoài lề chen ngang vào quỹ thời gian của mình. Chẳng hạn với bản thân tôi, duy trì song song hai hoạt động giảng dạy và nghiên cứu đã là cái khó, đồng thời cái khó lại tăng lên gấp đôi khi phải sắp xếp hàng tá công việc đang ở “hàng chờ” của mình. Chính vì vậy, việc quản lý thời gian mang tính cấp thiết và bạn cần phải nghiêm khắc thực hiện. Những việc còn lại như tìm cộng sự “xịn”… để triển khai thì cần linh động sắp xếp sao cho phù hợp”, TS. Nguyễn Duy Nghiêm cho hay.

TS. Trần Thị Bích Hạnh: Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh, ĐH Swinburne (Việt Nam) cơ sở Hà Nội

TS. Trần Thị Bích Hạnh chỉ ra việc xác định vấn đề nghiên cứu từ thực tiễn và phương pháp phù hợp để giải quyết vấn đề đó là điều rất quan trọng với những ai đang theo đuổi con đường NCKH.

“Để xác định một vấn đề nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao cần phải có hiểu biết sâu về lĩnh vực đó trong thực tiễn, nắm được vấn đề cốt lõi đang tồn tại trong thực tế. Cái này tôi hay nói là “Starting with a rigorous practical necessity”.

Tiếp theo là cần có phương pháp tiến bộ, có tính cập nhật để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề nghiên cứu. Phương pháp tốt sẽ giúp cho ra kết quả nghiên cứu tốt hơn, đáng tin cậy hơn nên tôi hay chú trọng nhiều tới phương pháp.

Ngoài ra, phần giải pháp đưa ra sau nghiên cứu gắn liền với thực tế cho phép và xu hướng phát triển cũng rất quan trọng. Nhưng tôi nghĩ thiết kế hai phần đầu quan trọng hơn vì nếu hai phần đó chuẩn thì phần giải pháp phía sau mới có thể tốt được, kết quả nghiên cứu mới có thể ứng dụng tốt vào thực tế”, TS. Trần Thị Bích Hạnh nhấn mạnh.

ThS. Giang Thị Minh Thảo: Giảng viên Kế toán – Tài chính, ĐH FPT Hà Nội

Theo ThS. Giang Thị Minh Thảo, để hoàn thiện một công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cần có 2 yếu tố:

Thứ nhất, đối với phần tổng quan lý thuyết không chỉ cần tóm tắt các lý thuyết chính mà còn cần xem xét, đánh giá sự phù hợp với thị trường/quốc gia được sử dụng làm đối tượng nghiên cứu. Ví dụ lý thuyết tài chính về cơ cấu vốn có thể không phù hợp với thị trường tài chính của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Thứ hai, đối với kết quả nghiên cứu, chúng ta không chỉ quan tâm đến ý nghĩa thống kê của kết quả, mà điều quan trọng hơn cả là đưa ra những đánh giá và phân tích sâu về nguyên lý đằng sau cũng như ý nghĩa thực tiễn của những kết quả đó.

ThS. Nguyễn Mai Uyên: Giảng viên Quản trị Khách sạn, ĐH FPT Cần Thơ

“Theo tôi, để hoàn thành những công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn thì một trong những yếu tố quan trọng nhất mà người làm nghiên cứu cần đảm bảo được chính là tính thời sự của vấn đề nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu giúp ích gì được cho xã hội trong giai đoạn hiện tại và tương lai? Đây cũng chính là một trong những yếu tố tạo động lực cho các nhà nghiên cứu có thể hoàn thiện một cách nhanh chóng các công trình khoa học của mình”, ThS. Nguyễn Mai Uyên cho biết.

ThS. Trương Ánh Tuyết: Giảng viên Business, ĐH Greenwich (Việt Nam) cơ sở TP. Hồ Chí Minh

Theo ThS. Trương Ánh Tuyết, điều quan trọng nhất để hoàn thiện 1 công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn chính là nguồn dữ liệu thu thập được, tính chuẩn xác và phương thức tiếp cận.

Huệ Anh

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

883
Version: 1.2.2.2