5 công trình nghiên cứu xuất sắc nhất FCBEM 2022
Lựa chọn đề tài mới mẻ, phương pháp nghiên cứu khoa học chuẩn chỉnh cùng phần trình bày và trao đổi thuyết phục tại Hội thảo, 5 công trình nghiên cứu dưới đây đã được vinh danh "Best paper" tại FCBEM 2022.
Push and Pull Factors for Wellness Tourism Experience: Framework Development and Implementations
Đây là một trong những tham luận đáng chú ý tại FCBEM 2022 vì lựa chọn đề tài có tính mới và quá trình tổng hợp, đánh giá nghiên cứu rất chỉn chu, đầy đủ. Tham luận này được thực hiện và trình bày bởi 2 giảng viên đến từ ĐH FPT campus Đà Nẵng là anh Mai Xuân Tài và chị Nguyễn Thị Đoan Trang.
Chọn đề tài về trải nghiệm du lịch sức khoẻ tinh thần – loại hình du lịch được cho là sẽ trở thành xu hướng trong cộng đồng và là cơ hội cho ngành du lịch tương lai, tham luận của 2 GV đến từ ĐH FPT campus Đà Nẵng đã chỉ ra các động cơ và kỳ vọng của cộng đồng về hình thức du lịch mới mẻ này, từ đó các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch có thể tạo nên những trải nghiệm sát với nhu cầu của người dùng hơn.
Factors affecting students’ intention to work in the tourism and hospitality industry during the Covid-19 epidemic season
Nhận thấy các nghiên cứu tại Việt Nam chưa hướng đến sinh viên và các yếu tố thúc đẩy tham gia đối tượng này hoạt động, làm việc trong lĩnh vực du lịch – khách sạn, các GV ĐH FPT campus Đà Nẵng là chị Lê Thị Mỹ Hạnh, chị Nguyễn Thị Đoan Trang và anh Nguyễn Văn Kỳ Long đã quyết định triển khai nghiên cứu về vấn đề này, đem tới FCBEM 2022.
Sử dụng Lý thuyết Hành vi hoạch định (Theory of Planned Behavior) và Lý thuyết động cơ (Motivation Theory), nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực đến quá trình đưa ra quyết định làm việc trong lĩnh vực du lịch - khách sạn của sinh viên tại Đà Nẵng sau khi tốt nghiệp, bao gồm: thái độ đối với hành vi, nhận thức kiểm soát hành vi và các động cơ bên ngoài.
Đây không phải là tham luận duy nhất chọn đối tượng nghiên cứu là sinh viên, nhưng lại là nghiên cứu đưa ra được các giải pháp hữu ích, có tính thực tiễn cao cho đối tượng và cả các bên liên quan. Các nhà hoạch định chính sách, những người làm trong lĩnh vực giáo dục, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn là những cá nhân và tổ chức có thể tham khảo và ứng dụng kết quả của nghiên cứu này.
Can Digitalization Decrease Country Distance in International Trade? An Empirical Analysis of European Countries
Đây là nghiên cứu thực nghiệm do nhóm tác giả Cao Thuỳ Linh (GV ĐH FPT campus Hà Nội) và Judy Hsu (ĐH Feng Chia, Đài Loan) đồng thực hiện.
Nghiên cứu đã sử dụng chỉ số xã hội và kỹ thuật kinh tế số (DESI) của Ủy ban châu Âu bắt đầu từ năm 2015 để đo lường mức độ chuyển đổi số của các quốc gia châu Âu, cũng như tác động tích cực của nó đối với thương mại quốc tế đang suy giảm do khoảng cách giữa các quốc gia. Theo đó, ảnh hưởng của chỉ số DESI đối với mối liên hệ giữa khoảng cách quốc gia và hoạt động thương mại được đánh giá bằng cách sử dụng hệ thống kỹ thuật GMM.
Bằng chứng thực nghiệm đã chứng minh rằng DESI có thể điều chỉnh tích cực phản ứng bất lợi của tôn giáo và khoảng cách địa lý đối trong thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, DESI còn được xem là sẽ giúp các quốc gia vượt qua khoảng cách về ngôn ngữ, hành chính và kinh tế để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Kết quả này khuyến khích các quốc gia triển khai chuyển đổi để kích thích thương mại quốc tế.
Không lựa chọn đề tài mới mẻ và “gây xôn xao” như các nghiên cứu khác, nhưng nghiên cứu về mối quan hệ giữa số hoá và khoảng cách giữa các nước trong thương mại quốc tế vẫn ghi điểm nhờ các phương pháp mẫu mực, phần trình bày chỉn chu và các phản biện thuyết phục trong phần Q&A.
Determining the Sustainability Level in Restaurants: Modeling Using OKR Method and Fuzzy Logic
Kinh doanh nhà hàng, dù có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, nhưng lại được đánh giá là một trong những lĩnh vực “thiếu tính bền vững”. Để đo lường chính xác mức độ “thiếu bền vững” trong lĩnh vực này, 2 tác giả Phạm Thị Hồng Anh và Nguyễn Phi Hùng (ĐH FPT campus Hà Nội) đã sử dụng phương pháp OKR và Fuzzy Logic, từ đó đưa ra từng khía cạnh của khái niệm “bền vững” trong kinh doanh nhà hàng và mức độ quan trọng của các khía cạnh này.
Đây là tham luận có ý nghĩa thực tiễn đối với các cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng, không chỉ trong hoạt động kinh doanh mà còn trong quá trình nâng cao nhận thức về phát triển bền vững kinh tế.
MetaEdu Going Beyond Adoption: Opportunities and Challenges
Là những “tân binh” trong làng nghiên cứu, tuy nhiên 2 SV đến từ ĐH FPT campus Hà Nội là Phạm Minh Ánh và Vương Tùng Lâm, dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Phi Hùng, đã chứng minh được năng lực nghiên cứu của mình thông qua tham luận về việc ứng dụng Metaverse vào giáo dục, xuất sắc chinh phục Hội đồng chuyên môn và giành giải Best Student Paper tại FCBEM 2022.
MetaEdu là sự kết hợp của Metarverse (tạm dịch: Vũ trụ vạn vật trực tuyến) và Education (giáo dục), mở ra nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức cho nhiều đối tượng bất kể địa lý và lứa tuổi. Tham luận về MetaEdu "ghi điểm" bằng sự tổng hợp kỹ càng các bài nghiên cứu từ các nguồn uy tín, sử dụng phương pháp DEMATEL, từ đó chỉ ra các rào cản và cơ hội trong việc ứng dụng các công nghệ mới như AI, Deep Learning, IoT, Blockchain, nhập vai thực tế ảo… vào giáo dục.
Bên cạnh chỉ ra các cơ hội và rào cản của MetaEdu, tham luận của nhóm SV còn đưa ra một số kiến nghị hướng tương ứng cho các nhà hoạt định chính sách và các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.
Thục Anh
Tổ chúc Giáo dục FPT - fpt.edu.vn